Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Một vài kinh nghiệm trong việc giảm thiểu chi phí logistics cho việc nhập khẩu hàng hóa

Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, logistics đóng một vai trò quan trọng. Nếu giải quyết tốt khâu logistics, một công ty có thể giảm thiểu chi phí sản xuất và chi phí phân phối, nâng cao lợi nhuận và đưa ra giá cả cạnh tranh hơn.
Tuy vậy, để giảm thiểu chi phí logistics cũng cần phải có một số kinh nghiệm. Mình làm nghề này được một thời gian và rút ra được một vài kinh nghiệm sau.
Chúng ta có hai hướng để giảm thiểu chi phí này, đầu tiên là giảm chi phí vận chuyển, thứ hai là giảm về chi phí thuế.
Hướng đầu tiên, theo kinh nghiệm, chúng ta sẽ phải dựa vào thông tin về ngày bắt buộc phải có hàng cho sản xuất và ngày mà nhà cung cấp có thể giao nguyên vật liệu cho chúng ta. Để từ đó, chúng ta sẽ tính được số ngày mà chúng ta có thể vận chuyển cho lô hàng này. Một ví dụ, chúng ta cần nhập 1 lô hàng máy móc từ Singapore về phục vụ cho công tác sản xuất ở nhà máy. Nhà máy yêu cầu thứ 7 này phải có máy để đưa vào lắp ráp và nghiệm thu. Nhưng nhà cung cấp ở Singapore chỉ có thể giao hàng vào thứ 2. Nghĩa là chúng ta sẽ có khoảng 4 ngày để đưa các máy móc này từ Singapore về Việt Nam và giao đến nhà máy. Với khoảng thời gian này, chúng ta sẽ lập ra các hướng chi phí vận chuyển: hàng này đi được những phương tiện gì, đường biển sẽ tốn chi phí bao nhiêu, đường hàng không sẽ tốn bao nhiêu, nếu đi tàu chuyến thì tốn bao nhiêu, máy bay chuyên dụng sẽ tốn bao nhiêu, chi phí hải quan sẽ là bao nhiêu, local charges sẽ là bao nhiêu...Sau khi tổng hợp và đưa ra các bảng chi phí, dĩ nhiên là phương án tối ưu sẽ là phương án có chi phí tốt nhất với thời gian phù hợp. Phải chú ý thêm là chúng ta sẽ phải vận chuyển hàng từ cửa khẩu về đến nhà máy nữa, phải tính toán thời gian sao cho thật phù hợp cho mọi thứ.
Hướng thứ hai cho việc giảm thiểu chi phí logistics là chúng ta sẽ chỉnh mã HS sao cho có được thuế nhập khẩu hợp pháp và kinh tế nhất. Đặc biệt trong một vài ngành nghề, biểu thuế nước ta quy định vẫn còn khá chung chung, như các loại máy móc, linh kiện...Do đó, chúng ta có thể lựa chọn một mã HS hợp lý mà hệ số thuế ít nhất. Mình đã gặp trường hợp cùng một mặt hàng, y chang về quy cách, số lượng, đơn giá...Mà 2 người khai hải quan áp vào 2 mã HS khác nhau. Một người áp vào mã chỉ có hệ số thuế là 5% và người còn lại áp vào mã có hệ số 10%. Nếu một lô hàng có giá trị tới 100.000USD thì 5% chênh lệch nhau cũng là một con số khổng lồ.
Nên nhớ, trong thực tế, nên cố gắng áp dụng 2 hướng này, sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Các bạn sẽ thấy, chi phí logistics hàng tháng mà chúng ta giúp công ty tiết kiệm có thể lên tới hàng tỷ đồng (chỉ trong trường hợp công ty bạn khổng lồ thôi nhé, nếu nhỏ nhoi như công ty mình thì hàng trăm triệu đã là một con số đáng ngưỡng mộ).
Nếu các bạn có những cách thức nào nữa thì chia sẻ giúp mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét